Mình có một tật (tương đối xấu) là không chia sẻ gì nhiều với mọi người, kể cả khi cố gắng sửa chữa thì câu chuyện mình kể cũng chỉ khái quát và chẳng mấy thú vị. Để bào chữa cho điều này thì mình đổ lỗi cho trí nhớ kém, và lúc nào tập trung vào một việc thì không để ý được chuyện xung quanh, nên nhiều lúc không nhớ được gì mà kể lại.
Nói đoạn trên là để biện hộ cho việc mình viết lan man trong cái note dưới đây, đáng ra là để tổng kết năm 2018, nhưng khả năng cao là sẽ có nhiều thứ không liên quan đến nhau tí nào.
2 năm vừa rồi là khoảng thời gian mình học được rất nhiều, cả về kiến thức chuyên môn lẫn đời sống xung quanh mình. Thành ra nếu có người nào hỏi mình năm nay mình bao nhiêu tuổi thì mình vẫn trả lời đùa là 18, vì được tiếp xúc với nhiều thứ mới mẻ quá nên cũng chẳng để ý thời gian đã trôi qua rồi (?) Chắc cũng phải thú nhận là gần đây mình mới nhận ra mười mấy năm mài đít ở trường học thực ra cũng là vô dụng, vì mình chưa bao giờ tiếp cận việc học một cách đúng đắn. Chỉ đến gần đây, vì may mắn có cơ hội được mở to mắt, nên mình mới hiểu được chữ học có nghĩa là gì, đồng thời cũng ghen tị với bạn bè, những người đã hiểu, và đã bắt đầu công cuộc đi học từ lâu.
Mặc dù không biết cách sắp xếp đầu óc của mình như thế nào cho hợp lý, mình cũng sẽ cố tóm tắt nội dung bằng một cái tiêu đề cho mỗi mẩu suy nghĩ.
lảm nhảm 1: bài toán dừng
Nếu bạn đã từng học lập trình hay thử viết một chương trình nhỏ. Đã bao giờ chương trình của bạn cứ chạy mãi mà bạn không rõ là do công thức của bạn chậm, máy tính bạn chậm hay do bạn đã vô tình tạo ra một vòng lặp không có điểm dừng? Trong phần lớn trường hợp thì nguyên nhân là do bạn ngu. Nhưng ở trường hợp đầu tiên thì chương trình của bạn vẫn có thể dừng; trường hợp thứ hai thì không, nó cứ chạy mãi. Câu hỏi “Chương trình của bạn liệu có điểm dừng không?” là một vấn đề không giải quyết được, và cũng là gốc rễ của nhiều bài toán không có lời giải khác.
Câu hỏi “Bao giờ mày hết ế hả con?” cũng là một câu hỏi không ai trả lời được, kể cả có sự giúp đỡ của học máy :>
lảm nhảm 2: giao thức
Về cơ bản là mọi người nói chuyện với nhau nhờ giao thức. Và giao thức gồm nhiều thành phần, trong đó có ngôn ngữ. Nếu giao thức hai bên sử dụng không thống nhất, thì giao tiếp cũng không hiệu quả. Tất nhiên, con người có thể học được nhiều hơn một giao thức, cũng giống như việc có người nói được nhiều thứ tiếng, hay có những người được gọi là “biết cách nói chuyện”.
Trẻ con nói chuyện với người lớn nhớ phải dạ vâng. Ai cũng nên biết nói lời cảm ơn và xin lỗi. Bạn bè chào nhau và bắt đầu câu chuyện. Có những giao thức mà bất cứ ai chắc cũng đã biết đến từ nhỏ.
lảm nhảm 3: tiêu chuẩn
Giao thức là một phần của văn hoá. Và để nói đến văn hoá thì hiển nhiên cụm từ đi kèm sẽ là đa dạng. Xét về một mặt nào đó, thì văn hoá cũng là một thứ tiêu chuẩn, cả hai đều luôn phát triển và có thể thay đổi dù chậm, tuy không phải lúc nào cũng có một quy định chặt chẽ về văn hoá. Để nhận biết được một cộng đồng, một vài tiêu chuẩn cá biệt được sử dụng để phân biệt với những cộng đồng khác. Tiêu chuẩn cũng tương đương với quan điểm. Hình như thế
Tiêu chuẩn của bạn về người tốt, người xấu là gì? Của bố mẹ bạn? Tiêu chuẩn của bạn, hay bố mẹ bạn 10 năm trước như thế nào?
Học văn hoá
Từ lúc còn nhỏ xíu, vừa bước chân vào trường mẫu giáo, tiểu học cho đến lúc tốt nghiệp, nhà trường là nơi dạy cho mình những tiêu chuẩn đầu tiên. Những lần lên cấp hay chuyển trường đều là một lần mình được tiếp xúc với một môi trường mới. Cho dù có quen với những người mới hay biết được những thứ nâng cao hơn, có lẽ suy nghĩ của mọi người vẫn luôn tuân theo một quy chuẩn của trường học. Một trong những quy chuẩn trong môi trường giáo dục mà ai cũng biết, và cũng là một truyền thống luôn được nhắc lại, ấy là tôn sư trọng đạo. Cũng còn nhiều tiêu chí nữa để đánh giá một cá nhân trong trường lớp. Nhiều hơn một lần, mình nhận thấy đó là thành tích cá nhân, và xếp hạng trong một tập thể. Trước khi nói đến chuyện xếp hạng này, để mình kể một vài mẩu ngắn về chữ “sư”:
- Giờ ngủ trưa hồi còn học cấp 1 luôn có một hai bạn được cô giáo phân công quyền quản lớp. Tức là sẽ đi vòng vòng canh xem có bạn nào không ngủ trong lúc cô đi vắng thì sẽ ghi nhớ và báo cáo lại để sau phạt, hoặc là tự xử đứa nào gây ồn cũng được. Có một buổi mình đang lim dim ngủ thì thấy có ai đập bộp vào má mình. Tưởng đứa quản lớp tát trêu nên mắt nhắm mắt mở hỏi “Cậu điên à?” Ngờ đâu mở mắt ra thấy cô giáo đang trừng mắt nhìn mình, quát to “Cậu dám ăn nói thế với người lớn thế à? Về nhà hỏi thử bố mẹ cậu câu đấy xem” và tặng mình thêm một cái tát. Nực cười là hôm đấy mình đang cố ngoan ngoãn và đi ngủ. Nực cười hơn là cô giáo luôn niềm nở khi nói chuyện với bố mẹ mình, hay với bất kỳ phụ huynh nào khác; chỉ khi trên lớp là hay quát tháo và đánh trẻ con vì tội ngu hay bố láo.
- Một buổi học nhạc ở lớp 5. Cô giáo nói cả lớp ôn và hát lại một bài hát từ buổi trước. Nhưng cô đâu có đến lớp buổi trước và lâu rồi cô cũng chẳng dạy dỗ gì. Thế mà khi có một bạn giơ tay nói là bài này chưa học cô ạ thì cô bỗng xửng cồ lên, quát cả lớp là chúng mày ăn học kiểu gì mà bài cô giáo đã dạy mà dám cãi là cô chưa. Giờ có đứa nào bảo là chưa học thì thử đứng lên. Cả lớp im re. Ức hơn cả lúc bị thằng đầu gấu lớp khác bắt nạt.
- Cô giáo trẻ chủ nhiệm lớp. Cô hay nói chuyện với học sinh, khích lệ, quan tâm đến bọn trẻ con và cũng dạy mấy thằng trong lớp biết cách xoay cái khối lập phương 6 màu xanh đỏ vàng. Hay cô giáo dạy ngoại ngữ không ngại giúp học trò bất kể việc nhỏ nhặt nhất. Chẳng ai biết được có những việc cỏn con lại giúp định hình cả một con người.
Thoả hiệp
Có một bài toán mình được nghe đi nghe lại trên mọi lớp học về sự thoả hiệp, và thực ra ở đâu cũng thấy mọi người đề cập đến chủ đề tương tự. Khi thiết kế một chương trình thì cần phải chọn giữa dung lượng và tốc độ chạy, làm thế nào để duy trì cả hai thứ ở mức độ vừa phải mà không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng. Chứ không thể đòi hỏi cả hai đều ở mức tối thiểu được, vì có cái này lại mất cái kia. Hay như lúc chọn mua máy tính. Muốn có máy khủng, vừa nhiều bộ nhớ, vừa chip khủng, vừa không tốn pin thì phải chấp nhận bỏ nhiều $$$. Phải không nhỉ.
Học kỳ ở đại học điểm rất nát nhưng bạn muốn qua môn? Bạn có thể chọn thoả hiệp với chính bản thân, dành thêm một chút thời gian học mỗi ngày. (Hoặc thoả hiệp với cái ví của bạn, bỏ một vài cốc trà đá mua cái phong bì để cho con đường học tập trơn tru hơn.) ¯\_(ツ)_/¯
Vào đại học, bạn em hỏi rằng em không làm việc gì khác ngoài học à. Bạn biết đâu được là em đã tự thoả hiệp với mình sẽ dành nhiều thời gian hơn để tự học vì môi trường đại học cởi mở hơn phổ thông. Cũng không biết được em vẫn đang cân một tá hoạt động bên ngoài. Và hẳn là quan điểm về học của hai người khác nhau, khi một người vẫn đang bị gò bó trong khuôn viên của nhà trường thì người còn lại đã tự do khám phá hàng tỉ điều mới từ mọi mặt trong đời thường.
Thái bình
Bạn bè xung quanh đứa nào đứa nấy đi học cũng kêu khổ. Mình đùa nhau bảo phải chi ngu si hưởng thái bình thì có phải đời sướng hơn nhiều không. Thực ra cũng chẳng rõ thế nào thì gọi là ngu si. Có phải do điểm số trên trường học không? Rõ là không. Mình có người bạn siêu thông minh nhưng lúc nào gặp cũng ca cẩm về điểm chác trên lớp. Điểm thấp một phần do vài bài kiểm tra cũng chẳng đánh giá được gì nhiều, phần còn lại do bạn dành nhiều thời gian cho công việc làm thêm, hay phát triển tất cả các kỹ năng khác của bản thân. Mình thấy mình mới ngu vì không biết lượng sức, không tự lo thân như bạn được, nên nhìn đâu cũng thấy khổ là đúng rồi.
Nhận thức được sự ngu si của mình, mình đã thử một thí nghiệm với bản thân vào nửa cuối năm 2018 này, với sự giúp đỡ của người bạn cùng tiến.
Thí nghiệm
Có lần bạn cùng nhà mình hỏi tại sao mày cân được 6 lớp trong cùng 1 kỳ, tao học 4 lớp mà đã chật vật rồi. Mình cười, trả lời là tao có cân được đéo đâu. Nhưng tao cũng kệ. Tao lấy 6 lớp để xem sức tao đến đâu thôi. Giờ thì biết là không đủ sức rồi. Học hành kiểu này kể cả điểm có cao thì tao cũng chả vui, chả thấy thái bình tí nào.
Quan trọng là phải vui!
Thầy giáo
Tiếc là bản tiếng Việt của bộ Gintama không tiếp tục online nữa, nhưng một chap mình thích nhất có tiêu đề (tiếng Việt) là “Thầy không phải người đi trước, mà là người song hành cùng ta”. Hoa mỹ quá.
Học sinh ngồi cùng lớp mình thỉnh thoảng hay kêu ca nếu giáo sư mắc quá nhiều lỗi sai trên lớp, dẫn đến hàng tá cuộc đối đáp bàn luận trong mỗi buổi học. Mình thấy mắc lỗi cũng tự nhiên. Nếu giáo sư nói cái gì cũng đúng hay nói gì học sinh cũng nghe răm rắp thì học sinh có thể mua một quyển sách tham khảo thay vì lên lớp ngồi, và giáo sư nên quay về tập trung làm nghiên cứu thay vì dạy một lũ bò. Một triết gia nào đó đã nói “học thứ thầy tao chưa học được ngày ấy” :))))) Công việc của người đi học là cố gắng mở mang vốn tri thức của cả cộng đồng.
Những người dạy mình nhiều nhất đâu phải người hơn tuổi mình.
Cộng đồng
Các bạn bảo nhiều hoạt động tình nguyện bị mất chất. Gì chứ hai năm vừa rồi hoạt động cộng đồng nào mình theo dõi (hoặc tham gia) cũng đều rất đẹp. Đẹp vì ý nghĩa và đẹp vì sự hi sinh của những người tổ chức. Mấy người hùng thầm lặng phía sau những hoạt động thành công đấy hầu hết đứa nào cũng mệt lả và đói. Mình cũng chẳng biết phải khích lệ thế nào vì không có trải đời Nhưng cứ nhủ với mọi người là kiên nhẫn và cố lên, mình chịu khó vì cộng đồng thì một ngày cộng đồng sẽ trả ơn lại cho mình :>
Có hai cộng đồng mà mình rất yêu thích trong tổng thể (ý là cả thế giới), là cộng đồng zu-bích, và cộng đồng mã nguồn mở. Cái thứ nhất cho mình nhiều người bạn mới và hiểu thêm những người bạn hiện tại, cho mình đồ ăn và chỗ ngủ lúc mình chỉ có một mình. Cái thứ hai thì cho mình một đống kiến thức, công cụ miễn phí, đáng tin cậy và mấy cái áo rất đẹp. Hí hí.
Rét
Tò mò không biết nếu bây giờ hứng một đợt lạnh của Hà Nội thì mình sẽ thế nào. Có thể là vẫn cóng như hồi trước, hay là quần đùi áo ba lỗ như mọi người hay đùa du học sinh xứ lạnh. Dù sao thì, sau khi đã biết mùi khí hậu -40 độ, quan điểm của mình về sự lạnh có thay đổi đáng kể :)) Mình hiểu ra tại sao lại cần giữ ấm vào mùa đông, biết cách giữ ấm cho bản thân nếu cần thiết. Nói một cách chiết ní thì phải chịu đau một ít thì sau này mới lì lợm được.
Thực ra nếu mình không bao giờ chịu lạnh, mình cũng chẳng bao giờ nhận ra là mình thích mùa đông.
Tôi là ai?
Tôi là ai, và đây là đâu? Bổn phận của tôi là gì? Tôi là vinja cờ xanh năm lá?
Không trả lời trọn vẹn được, nhưng chắc tôi hiện tại là hỗn hợp của những câu chuyện tôi vừa kể. Tôi là sự phản ánh của những thứ tôi gặp, những điều tôi biết, nhạc tôi nghe, bạn bè tôi chơi cùng, tội lỗi tôi mắc phải, lý tưởng tôi ngưỡng mộ? Chả biết. Có những câu hỏi không thể trả lời. Nếu trả lời được thì con người đã hiểu được cả vũ trụ :>
Nhưng tất nhiên mình vẫn nên tiếp cận và tìm hiểu câu hỏi. Trong bối cảnh con người thắc mắc về vị trí của bản thân, có lẽ một phần câu trả lời có thể được tìm thấy nếu con người cứ tiến lên. Và học! Anh em nghe tôi rồi đấy.
Năm mới. Lại tiếp tục cố lên.